HƯỚNG DẪN VỆ SINH BẾP GAS ÂM ĐÚNG CÁCH
Vệ sinh bếp ga sạch sẽ và không còn cặn thức ăn là điều rất quan trọng, nhưng không nhiều người trong chúng ta hiểu nó thực sự quan trọng như thế nào. Trong bài viết này, DMG Chemical sẽ giúp bạn cách vệ sinh bếp ga đơn giản mà vô cùng hiệu quả!
Tại sao nên vệ sinh bếp gas âm?
Bếp gas là dụng cụ nấu ăn không thể thiếu hằng ngày. So với bếp ga truyền thống, bếp ga âm gần đây là sự lựa chọn của nhiều gia đình vì tính thẩm mỹ và tối ưu không gian sử dụng trong bếp. Về cấu tạo, bếp ga âm tương tự bếp ga truyền thống với phần thân bếp được lắp đặt chìm bên dưới bàn bếp và bề mặt thường được làm bằng thủy tinh dày chịu được lực và nhiệt độ cao.
Với cách lắp đặt sâu xuống mặt bếp, xung quanh bếp ga âm thường có khe hở nhỏ dễ đọng thức ăn, dầu mỡ văng vãi trong quá trình chế biến thực phẩm. Nếu không làm sạch ngay, vết bẩn tích tụ lâu ngày vừa khó lau chùi, vừa gây mùi khó chịu trong bếp. Tuy nhiên so với chất liệu nhựa tráng men ở mặt bếp ga truyền thống, mặt kính của bếp âm dễ dàng làm sạch với nước hoặc nước lau kính sẵn có trong gia đình.
Bạn nên áp dụng thường xuyên cách vệ sinh bếp ga âm để sở hữu gian bếp luôn sạch sẽ, không bị ám mùi ảnh hưởng đến những không gian khác trong nhà cũng như tâm trạng khi nấu nướng.
Các loại vết bẩn thường gặp ở bếp gas âm
Những vết bẩn thường gặp ở bếp ga âm có thể kể đến gồm có dầu mỡ, cặn thức ăn bị trào ra, bụi bẩn tích tụ lâu ngày và nước đọng ở những kẽ hở trên bếp trong suốt quá tình bạn nấu nướng lâu ngày.
Những loại vết bẩn này nếu xử lý ngay sẽ rất dễ dàng làm sạch. Tuy nhiên, không ai đủ kiên nhẫn, thời gian để lau rửa bàn bếp sạch bong kin kít sau mỗi lần nấu nướng và cứ thế vết bẩn tích tụ ngày càng trở nên “cứng đầu” hơn.
Cách vệ sinh bếp gas dễ dàng và hiệu quả nhất
Trước khi thực hiện cách vệ sinh bếp gas ngay sau đây, bạn nên tháo rời từng bộ phận của bếp để làm sạch dễ dàng hơn. Bếp ga âm gồm có những bộ phận cơ bản: chân kiềng, mâm chia lửa, đầu đốt gas và mặt kính bếp.
Hướng dẫn cách vệ sinh bếp gas theo từng bộ phận:
- Vệ sinh chân kiềng: Chân kiềng là phần chịu nhiệt nên bị ám nhiều muội than. Để làm sạch lớp muội than, bạn ngâm chân kiềng vào dung dịch nước rửa chén hoặc chà rửa bằng baking soda sau đó rửa lại bằng nước sạch và để ráo nước.
- Vệ sinh mâm chia lửa: Tương tự làm sạch phần chân kiềng, bạn cũng ngâm mâm chia lửa vào nước rửa chén. Đợi khoảng 10 – 15 phút cho cặn bẩn rã mềm, tiến hành lau rửa, tráng lại bằng nước sạch và để ráo nước.
- Vệ sinh đầu đốt gas: Khóa kỹ hệ thống truyền gas để đảm bảo an toàn trước khi vệ sinh đầu đốt. Đầu đốt gas sử dụng lâu ngày cũng bị dính bẩn thức ăn gây tắc nghẽn khí gas hoặc giảm khả năng đánh lửa. Đây là bộ phận không thể tháo rời khỏi thân bếp, bạn nên tận dụng bàn chải đánh răng cũ có đầu nhỏ để đánh sạch đầu đốt gas và lau sạch lại bằng khăn mềm không chứa xơ bông.
- Vệ sinh mặt kính bếp: Kính bếp thường dính dầu ăn văng vãi khi bạn nấu món chiên xào. Bạn có thể lau mặt kính bếp bằng khăn mềm thấm nước để tránh làm xước bề mặt thủy tinh. Tuy nhiên để duy trì độ sáng bóng và tuổi thọ của kính bếp, bạn nên dùng nước lau kính hoặc dung dịch vệ sinh bếp chuyên dụng để thực hiện cách vệ sinh bếp ga âm.
Những lưu ý để bếp gas âm luôn sạch sẽ
Nhằm hạn chế tốn công sức tẩy rửa bếp gas âm, bạn nên hình thành thói quen chùi rửa dưới đây khi bếp vừa xuất hiện vết bẩn:
- Hạn chế để thức ăn trào ra ngoài quá nhiều, nếu sơ ý để sôi trào thì nhanh chóng lau ngay.
- Lau mặt kính ngay sau khi vừa chế biến món chiên xào để loại bỏ dầu mỡ
- Lau cả khu vực bàn bếp, tường bếp xung quanh bếp ga âm
- Bật máy hút mùi (nếu có) khi nấu ăn
- Đặt một bát baking soda gần khu vực chế biến để hút ẩm và mùi khó chịu
Trên đây là những hướng dẫn đơn giản để bạn có thể vệ sinh bếp gas một cách đơn giản ngay tại nhà. Đừng quên đón đọc DMG Chemical để cập nhật thêm nhiều chia sẻ hữu ích khác nhé! Chúc bạn thực hiện thành công!