6 Thói Quen Khiến Nhà Vệ Sinh Bốc Mùi Khó Chịu Dù Đã Cọ Sạch
Đã bao giờ bạn thắc mắc vì sao thường xuyên dọn dẹp kỹ lưỡng mà nhà vệ sinh vẫn còn mùi khó chịu? Nếu gặp tình trạng này thì bạn cần bỏ ngay những thói quen sau đây, bởi mùi hôi không chỉ gây đau đầu mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ về lâu dài. Cùng DMG Chemical khám phá những sai lầm thường gặp khiến nhà vệ sinh bốc mùi hôi nhé!
1. Đặt thùng rác bên trong nhà vệ sinh
Nhiều gia đình có thói quen đặt thùng rác trong nhà vệ sinh để thuận tiện và giúp ngôi nhà sạch sẽ hơn. Thế nhưng, việc không thường xuyên dọn rác sẽ khiến nhà vệ sinh bốc mùi hôi, đồng thời tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi trong môi trường ẩm ướt và thiếu ánh nắng mặt trời. Do đó, bạn nên đổ rác mỗi ngày và đừng quên sử dụng túi đựng rác có đặc tính khử mùi để đảm bảo an toàn vệ sinh cũng như khắc phục mùi hôi hiệu quả.
2. Đặt các sản phẩm chăm sóc cá nhân trên nền
Các căn hộ diện tích nhỏ thường có thiết kế phòng tắm ghép với nhà vệ sinh. Chính vì vậy, nhiều người thường đặt các vật dụng chăm sóc cá nhân như sữa tắm, dầu gội, sữa rửa mặt… trên nền nhà. Điều này gây cản trở quá trình lưu thông nước khiến rác thải và cặn bẩn đọng lại gây mùi hôi khó chịu trong khu vực vệ sinh. Cách tốt nhất là bạn nên trang bị kệ chứa đồ để vừa mở rộng không gian, vừa tiện lợi trong quá trình dọn dẹp.
3. Quên làm sạch dụng cụ cọ rửa nhà tắm
Việc quên làm sạch dụng cụ cọ rửa cũng là yếu tố khiến nhà vệ sinh bốc mùi hôi. Đặc biệt, cây cọ bồn cầu là vật dụng tiếp xúc trực tiếp với bề mặt bồn cầu nên tích tụ đầy mùi hôi và vi trùng. Thế nên, bạn hãy làm sạch các dụng cụ này và phơi khô để hạn chế vi khuẩn đọng lại.
4. Đi vệ sinh trực tiếp trên sàn nhà
Thói quen đi vệ sinh trực tiếp ra sàn nhà ít gặp với người lớn nhưng cực kỳ phổ biến ở trẻ em. Theo đó, các bé thường đi tiểu xuống nền thay vì ngồi trên bồn cầu, lâu ngày nước tiểu thấm vào sàn nhà gây mùi khai vô cùng khó chịu. Vì lẽ đó, nếu gia đình bạn có trẻ nhỏ thì nên dạy cho bé thói quen đi vệ sinh vào bồn cầu. Trường hợp trẻ đã tiểu ra nền nhà thì bạn cần dội nước sạch và cọ rửa nhà vệ sinh ngay lập tức để loại bỏ mùi hôi.
5. Không giặt thảm phòng tắm
Thảm phòng tắm cũng là nơi tích tụ nhiều vi khuẩn và mùi hôi. Cụ thể, môi trường ẩm ướt cùng chất bẩn tích tụ lâu ngày sẽ sản sinh nấm mốc. Bạn thường không nhận ra đến khi thảm xuất hiện mùi hôi và đổi màu. Ngoài ra, mùi hôi đọng trên thảm sẽ gây ảnh hưởng không khí trong nhà cũng như sức khoẻ gia đình bạn. Vì thế, bạn đừng quên giặt giũ thảm cẩn thận và để khô thoáng trước khi sử dụng lại.
6. Không sử dụng nước tẩy rửa nhà vệ sinh chuyên dụng
Nhiều người cho rằng dung dịch tẩy rửa nhà vệ sinh chứa hóa chất gây hại cho sức khỏe, chưa kể còn bào mòn lớp men bảo vệ khiến bồn cầu dễ bị ố vàng và giảm tuổi thọ. Do đó, họ chỉ vệ sinh bằng nước thường hay bột giặt mà không dùng nước tẩy rửa chuyên dụng nên nhà vệ sinh bốc mùi hôi.
Tuy vậy, quan điểm này không chính xác hoàn toàn. Bởi việc lựa chọn sản phẩm tẩy rửa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng vẫn sẽ hỗ trợ quá trình dọn dẹp, khiến nhà vệ sinh của bạn không còn mùi hôi và luôn thơm mát.
Mong rằng thông qua bài viết trên, bạn đã hiểu rõ những thói quen phổ biến khiến nhà vệ sinh bốc mùi hôi khó chịu và có biện pháp ngăn ngừa phù hợp. Đừng quên cọ rửa nhà vệ sinh bằng sản phẩm chuyên dụng bởi đây chính là cách hiệu quả nhất giúp không gian nhà bạn luôn sạch thơm mỗi ngày.